Lịch sử hình thành

Ở miền Bắc, dưới thời thuộc Pháp người mù luôn bị coi là những người thừa của cả gia đình và xã hội, họ không được học hành và luôn phải chịu sự ghẻ lạnh hắt hủi của xã hội. Để có được miếng ăn hàng ngày, không ít người đã phải đi ăn xin hoặc âm thầm sống nhờ sự cưu mang của gia đình. Tuy nhiên với trí óc và các giác quan khác phát triển bình thường nên nhiều người đã quyết chí vươn lên tự lập cuộc sống bằng chính khả năng của mình. Nhiều người đã học nghề tẩm quất, học hát xẩm và cả nghề bói toán … có người đã trở thành nghệ nhân xẩm nổi tiếng, thợ tẩm quất điêu luyện…

Đặc biệt từ năm 1943 khi ông Nguyễn Chí Thiện là 1 trong 5 học sinh giỏi nhất của trường giành cho người mù ở Sài Gòn cùng vợ tình nguyện ra Hà Nội vận động quyên góp mở trường dạy cho trẻ em mù thì người mù ở miền Bắc bắt đầu được tiếp cận với chữ Braille từ ngày ấy.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, đất nước tạm thời chia cắt làm 2 miền. Ở miền Bắc dưới chế độ XHCN – Trong hoàn cảnh kinh tế còn rất nhiều khó khăn do hậu qua chiến tranh nhưng người mù nói riêng và những người tàn tật nói chung đã được Đảng và Nhà nước quan tâm giúp đỡ. Ngoài trường Thương binh hỏng mắt do Nhà nước thành lập từ năm 1955 ở 139 Nguyễn Thái Học Hà Nội, vào năm 1960, Ban Dân chính Trung ương đã thành lập trường dạy nghề và tổ chức sản xuất cho người mù ở Bắc Giang. Trường tiếp nhận khoảng gần 100 người mù cô đơn, khó khăn dạy nghề làm đinh, đan lát … Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan chỉ 3, 4 tháng sau trường giải thể. Cũng từ năm 1960 trong phong trào xoá mù chữ, bổ túc văn hoá nhiều người mù (nhất là những người mù ở Hà Nội) đã tìm đến các lớp học ban đêm để học tập. Khoảng 40 thanh niên, thiếu niên mù được vào học chương trình bổ túc văn hoá cấp I ở trường chữ nổi Ba Đình. Một số người đã được vào học ở một số trường Đại học hệ tại chức.

Được học tập, được tiếp nhận những thông tin về người mù các nước XHCN, người mù Việt Nam càng khát khao có được tổ chức riêng của mình.

Năm 1946 – Do bị thất bại nặng nề trong cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam, Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại leo thang ra miền Bắc. Trong khi cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng gay go, ác liệt, thì ngày 26/11/1966 Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà đã ban hành Thông tư 202/CP về chính sách đối với những người già cả, trẻ mồ côi không nơi nương tựa và người tàn tật. Trong thông tư này đã nhấn mạnh đến việc thành lập Hội người mù. Điều này đã đáp ứng lòng mong mỏi của những người tàn tật nói chung và người mù nói riêng.

Ngày 16/4/1969 Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký quyết định số 190/NV cho phép thành lập Hội Người mù Việt Nam. Ngày 17/4/1969 khi máy bay Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc thì Đại hội thành lập Hội Người mù Việt Nam được khai mạc trọng thể tại hội trường câu lạc bộ Thống Nhất, cạnh hồ Hoàn Kiếm trung tâm Thủ đô Hà Nội

 Hội Người mù Việt Nam Tự hào là tổ chức của người khuyết tật ra đời sớm nhất nước ta, Hội Người mù Việt Nam đã từng bước trưởng thành, phát triển mạnh mẽ cùng đất nước. Đây là một bước ngoặt quan trọng của sự phát triển bình đẳng, đem lại hạnh phúc cho người mù, giúp cho họ từng bước vươn lên, xóa bỏ mặc cảm, tự tin hòa nhập cùng sự phát triển đi lên của xã hội. Từ đó đã góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của cộng đồng đối với người khuyết tật nói chung và người mù nói riêng. Việc giúp đỡ người mù của toàn xã hội đã mang lại những lợi ích thiết thực, giúp họ được hưởng nhiều quyền lợi hợp pháp, tự thân phấn đấu, tự lập để làm chủ cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Cùng với quá trình xây dựng, phát triển của Hội Người mù Việt Nam, Hội Người mù tỉnh Nam Định được thành lập cách đây 42 năm, theo Quyết định số 138/QĐ-UBND ngày 30-01-1980 của UBND tỉnh Hà Nam Ninh (cũ); là tổ chức xã hội đặc thù, đặc biệt, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự bảo trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ của Ủy ban MTTQ, các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền, các tầng lớp nhân dân, các tổ chức nhân đạo trong nước và quốc tế. Thời điểm trước tháng 4 - 1989, toàn Hội mới chỉ thu hút, tập hợp được hơn 600 hội viên, trong đó có trên 90% thuộc diện đói nghèo. Đến nay, Hội Người mù tỉnh Nam Định đã có 3.000 cán bộ, hội viên thường xuyên sinh hoạt (trong đó có 1.420 hội viên nữ, gần 50% số hội viên trong độ tuổi lao động và gần 150 trẻ em mù đang trong độ tuổi đến trường).

Những năm qua, nhờ sự quan tâm lãnh đạo, giúp đỡ của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tại địa phương, Hội Người mù tỉnh Nam Định đã tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao các chương trình mục tiêu quốc gia dành cho người mù. Đề án, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các hoạt động trợ giúp xã hội, chính sách hỗ trợ cơ sở sản xuất dành riêng cho người tàn tật đang mang lại nhiều kết quả nổi bật. Từ nguồn quỹ quốc gia về giải quyết việc làm được TW Hội Người mù Việt Nam phân bổ cho tỉnh hội đến nay đã giải quyết được 647 lượt người được vay với tổng số vốn hơn 10 tỷ đồng. Hội Người mù tỉnh Nam Định hiện đang quản lý hơn 1 tỷ 635 triệu đồng, đã phân bổ cho các hội viên có nhu cầu vay vốn với lãi suất ưu đãi. Các cấp hội đều tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, MTTQ cùng cấp vận động sự giúp đỡ, đóng góp của các tổ chức đoàn thể, các nhà hảo tâm, từ thiện, triển khai xây dựng, sửa chữa 197 ngôi nhà “Đại đoàn kết” với tổng giá trị 4 tỷ 75 triệu đồng. Bên cạnh đó, việc quy định mức trợ cấp theo hệ số lương hàng tháng cho cán bộ Hội Người mù tỉnh Nam Định (không phải là công chức nhà nước) cùng các chế độ thù lao, hỗ trợ chi phí đi lại khi học nghề cho người khuyết tật, tổ chức thăm hỏi tặng quà các ngày lễ, tết đã giúp cho người mù xóa bỏ mặc cảm, nỗ lực vượt qua tật nguyền, cùng nhau đoàn kết, chủ động phấn đấu vươn lên, sống hòa nhập cộng đồng.

Chương trình tạo việc làm cho hội viên người mù được các cấp hội quan tâm chú trọng đẩy mạnh đang mang lại những hiệu quả thiết thực. Nhiều cơ sở sản xuất dành riêng cho người mù như xoa bóp bấm huyệt, sản xuất thủ công, làm tăm tre, chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn tỉnh Nam Định đã được thành lập, tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho 1.827 hội viên. Trong đó, nổi bật nhất là nghề xoa bóp bấm huyệt đã trở thành nghề mũi nhọn với 41 cơ sở đang hoạt động, tạo việc làm thường xuyên cho 164 lao động người mù với mức thu nhập mỗi tháng từ 3,5 triệu đến 4 triệu đồng/người.
Khi mới thành lập, Hội Người mù tỉnh Nam Định có tới 95% hội viên không biết chữ, cuộc sống đầy mặc cảm, khó khăn, nhưng các cấp hội địa phương kiên trì dùng tri thức văn hóa để tập hợp, thu hút hội viên. Từ khi phát động phong trào xóa mù chữ đến nay, Hội Người mù tỉnh Nam Định đã vận động, lựa chọn 2.051 cán bộ, hội viên đi học chữ nổi (chiếm tỷ lệ 68%).